25 May 2013

[Cafe thứ 7] (Tôi là ai?) Chuyện góc nhìn.

Standard
Đây là một bài viết PR bản thân rẻ tiền, nếu bạn muốn đọc một bài đắt tiền hơn xin vui lòng rút ví và thanh toán.

(TÔI LÀ AI?) CHUYỆN GÓC NHÌN.

Hôm trước đang chém gió trên Facebook thì có bạn vào hỏi một câu hồn nhiên: "B co binh thuong ko?" (vietsub: Bạn có bình thường không?). Khá là dốt khi lúc đó tôi chỉ trả lời lại bằng một câu khẳng định chắc chắn là "không" mà không hỏi xem đối với bạn ấy như nào là bình thường. Có lẽ cái "bình thường" của bạn ấy khác với cái "bình thường" của tôi cũng nên.

Bình thường là gì?

Tôi vốn luôn là một thằng dốt tiếng Việt, đã dốt tiếng Việt, lại còn nghèo nữa nên tôi không có được quyển từ điển tiếng Việt cho riêng mình. Thế là tôi đành lọ mọ lên hỏi Google và kết quả tôi tìm được trên một trang gọi là Wikipedia cái định nghĩa: Bình thường là "không có gì khác thường, không có gì đặc biệt", vậy "khác thường" là gì? "không có gì đặc biệt" là gì? Khác thường là "đặc biệt, không bình thường" (Ôi! Tôi muốn đập máy tính của mình quá). Đặc biệt là "khác hẳn những trường hợp thông thường về tính chất, tính năng hoặc mức độ". Thông thường là gì? (zzz...). Thông thường: "thường có, thường thấy ở nhiều nơi". Sau một hồi lòng vòng đến phát buồn ngủ với mấy định nghĩa trên Wikipedia, tôi có thể tóm lại một cách nhẹ nhàng: bình thường là cái thường có, thường thấy. Vậy "thường" là gì? ...
Thôi, tôi đi ngủ đây. Tí dậy viết tiếp zzz....

Tôi có bình thường không?

Xét theo một góc độ nào đó thì tôi là một người hoàn toàn bình thường. Tôi có đủ tay, đủ chân. Mắt, mũi, tai không có dị tật gì ngoại trừ việc thị lực bị kém đi do chơi game nhiều, nhưng bạn bè tôi cũng nhiều người cận nên điều đó cũng không có gì là bất thường cho lắm. Tôi hơi gầy, kể cả tôi có trở thành người gầy nhất Việt Nam thì tôi tin chắc cũng có rất nhiều người gầy, chỉ có điều họ không bằng tôi mà thôi nên điều này chắc cũng không thể coi là không bình thường. Nếu bạn hỏi xem tôi có bình thường không ở trên quan niệm giống bạn ấy là bình thường thì có lẽ tôi khác bạn ấy ở các cơ quan sinh dục và hoóc-môn giới tính. Vì cái hoóc-môn giới tính đó mà tôi và bạn ấy có nhiều điểm khác nhau, tuy nhiên trên Thế giới có gần 3 tỉ rưỡi người giống tôi nên không thể nói tôi đặc biệt được. Vì lượng testosterone trong người tôi đủ để tôi cảm thấy thích thú khi nhìn các cô gái trẻ đẹp và thích thú hơn khi các cô gái đó mặc ít quần áo hơn nên kể cả có theo quan điểm của những kẻ cổ hủ về quan niệm giới tính là con trai phải yêu (và làm chuyện đó) với con gái thì tôi thấy mình cũng vẫn hoàn toàn bình thường. Vậy xét về sinh lí và giải phẫu cơ thể, tôi cũng giống như nhiều người khác, và nếu có khác thì cũng chưa đủ để tôi tự biến mình thành người đặc biệt được.

Tôi sinh ra ở một gia đình vùng quê. Bố tôi là con của ông bà nội tôi, mẹ tôi là con đẻ của ông bà ngoại tôi. Cả nhà bố tôi và nhà mẹ tôi đều rất đông anh em nên tôi cũng có rất nhiều các chú, các bác, các cô, các cậu, các mợ và tất nhiên là rất nhiều anh em nữa. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng có gì đặc biệt, hàng triệu gia đình khác trên cái đất nước hình chữ S này cũng giống gia đình tôi. Tôi bắt đầu học mẫu giáo vào cái năm mà những thằng sinh năm 91 khác cũng bước vào mẫu giáo, từ lớp 1 đến lớp 12 chưa bao giờ phải học 1 lớp trong 2 năm liền. Tôi từng làm "dân thường", tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó, bàn phó,... nhưng bất kì một học sinh nào cũng có thể có các chức danh hoặc là được phong, hoặc là tự phong như tôi nên điều đó cũng chẳng có gì bất thường ở đây hết.

Sau 12 năm học và sống cùng gia đình, tôi rời gia đình và lên Hà Nội học như bao nhiêu người khác. Tôi học ở ngôi trường mà mỗi năm tuyển sinh đến 3000 người, học ở cái khoa mà khóa tôi có đến gần 650 người. Giống như bao thằng con trai lười học khác, tôi ham chơi game (cụ thể là thích đánh dota), thi thoảng trốn học, hiếm khi làm bài tập và tất nhiên tôi nhận được những điểm số lẹt đẹt. Điều đó cũng chẳng là gì khi những thằng con trai lười đều giống tôi. 
Tôi thích nhạc Âu - Mĩ, thích rock, dạo gần đây có nghe nhạc Việt và nhiều bài nhạc trẻ, điều này chắc cũng chẳng đặc biệt lắm. Tôi thích đội bóng có lượng fan và antifan đông đảo nhất Thế giới, cạnh tranh ngôi vô địch ngoại hạng hàng năm, thật chẳng có gì là lạ ở đây cả.

Đọc nãy giờ chắc bạn cũng hình dung ra tôi phần nào, chẳng có gì đặc biệt phải không? Nhưng bạn kia đã hỏi tôi "b co binh thuong ko?" vậy chắc chắn tôi phải có điểm nào đó mà không giống đa số người khác rồi. Thế nên bạn ấy mới phải hỏi chứ.

Tôi khác thường chỗ nào?

Thứ nhất, tôi thông minh. Tôi chẳng có gì phải ngại ngần khi nói ra điều này cả. Thực tế nó là như vậy. Trong một bài trắc nghiệm IQ của trong IQtest.vn mà tôi phải mất 15.000đ để biết được kết quả thì tôi đạt IQ là 135, tuy nhiên theo tôi thì kết quả đó có được do kinh nghiệm làm các bài IQ test trước đó một phần. Có lẽ IQ của tôi rơi vào khoảng 120-125 gì đó thì chính xác hơn. Thảo nào cũng có bạn đọc đến đây bảo tôi đang khoe khoang. Xin thưa tôi chẳng khoe khoang gì cả. Khoe khoang thì phải có cái gì đó đáng giá để mà khoe, với tôi IQ cao cũng chỉ như hoa tay thôi, bình thường lắm, nó chẳng phải do mình cố gắng mà thành nên chẳng có gì đáng để tự hào và khoe khoang cả. Mà quan điểm của các nhà khoa học cũng đã khác, IQ không phải là nhân tố chính để có được thành công nữa mà là EQ (chỉ số cảm xúc). EQ thì có thể rèn luyện được nên ai có được EQ cao mới đáng để tự hào.

Thứ hai, tôi tự thấy mình khá đa nhân cách, không biết có phải triệu chứng ban đầu của tâm thần phân liệt không nữa. 
Tôi thuận tay phải và như rất nhiều người thuận tay phải khác, tôi sử dụng bán cầu não trái nhiều hơn. Mà bán cầu não trái lại là nơi xử lí các thông tin thiên về logic nên chẳng lạ lùng gì khi tôi sống khá là thực dụng, biết nghe lời lí trí (và theo một nghiên cứu thì lí trí và tình cảm có mối liên hệ mật thiết, tác động lẫn nhau chứ không tách rời như nhiều người vẫn tưởng). Nhưng ngược lại, tôi luôn tự nhắc nhở mình sử dụng nhiều hơn tay trái, tư duy trừu tượng nhiều hơn nên nhờ đó mà tôi có được những so sánh mà nhiều người bảo là thú vị.
Tôi thực dụng và tôi lãng mạn, tôi lạnh lùng và tôi nồng nhiệt, tôi lí trí và tôi tình cảm. Dường như có rất nhiều con người bên trong cái thân xác của tôi. Và vì có nhiều con người trong một thân xác như thế nên tôi có thể quan sát những sự việc ở nhiều góc độ khác nhau, nhìn theo nhiều hướng khác nhau và đưa ra nhiều quan điểm đối lập nhau. Tôi biết người bạn kia hỏi tôi như vậy vì bạn ấy thấy rằng tôi đã đưa ra những quan điểm chẳng-giống-ai và nói thẳng ra là đi ngược lại quan điểm của rất nhiều người.

Chuyện góc nhìn

Bạn có bao giờ tự hỏi "tại sao lại thế", bạn có bao giờ thử hỏi "nếu ngược lại thì có đúng hay không"? Thực ra, tôi tin khi còn bé, chúng ta vẫn thường hỏi những câu hỏi đại loại như tại sao trời lại xanh, tại sao nước biển cũng màu xanh, tại sao khi di chuyển mặt trời cũng như đi theo ta? Thường thì sau khi đặt những câu hỏi như thế, chúng ta nhận lại được thái độ khó chịu của người lớn kèm theo đó là câu trả lời "tự nhiên nó thế". Trong suốt 12 năm học, chúng ta học rất nhiều nhưng đa phần các kiến thức chúng ta được học vẫn luôn ở cái dạng "A là A" và chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để ghi nhớ chúng thay vì đặt câu hỏi tại sao A lại là A, điều gì xảy ra khi A là B. Từ cách học đó, chúng ta dần thừa nhận mọi thứ mà những người khác thừa nhận, chúng ta không dám nghĩ khác đi, không dám tìm hiểu và không dám phản biện lại nó. Nhưng liệu những điều chúng ta đang tin có thực sự là đúng?

Tôi nghĩ rằng những điều chúng ta đang tin vẫn sẽ luôn là đúng cho đến khi chúng ta tiếp cận một quan điểm khác chứng tỏ cái chúng ta nhìn thấy chỉ là cái chúng ta muốn thấy, thực sự nó không giống những gì ta thấy.  Chúng ta cần hơn những quan điểm trái chiều, những góc nhìn đa dạng hơn là đánh giá vấn đề một cách phiến diện và không có chiều sâu, theo số đông mà mất đi đánh giá chính xác của mình. Chúng ta cần hơn những phản biện xã hội. Nếu chỉ nhìn từ Trái đất, mặt trăng chỉ có mỗi hình ảnh như chúng ta vẫn nhìn, nhưng nếu có thêm góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy toàn bộ mặt trăng.

Nhiều người đọc blog của tôi, status của tôi hay các comment của tôi sẽ đọc được những ý kiến phản bác, những chỗ sai, những điểm yếu của những cái mà mọi người mặc nhiên coi là đúng. Giờ đây, truyền thông có sức mạnh thật đáng sợ, những con người làm truyền thông, đôi khi vì một lí do nào đó sẽ hướng tất cả mọi người hòa vào một dòng suy nghĩ. Và với cái tâm lí đám đông vốn có, chúng ta rất dễ coi cái mà "nhiều người nghĩ " sẽ là đúng mà ai biết được rằng những người kia nghĩ thế vì biết chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một người không nghĩ thế. Cũng đáng để chúng ta đặt câu hỏi chứ? Cũng đáng để chúng ta đánh giá lại chứ?

Thật tiếc vì ở Việt Nam, văn hóa tranh luận, văn hóa phản biện còn rất hạn chế. Nhiều người thậm chí còn sợ tranh luận (tôi phát hiện ra số bạn của mình đã giảm bớt vài người khi tôi đăng status về Nick, có lẽ họ sợ phải đối mặt với các quan điểm của tôi nên chọn giải pháp lẳng lặng bỏ đi), nhiều người tranh luận nhưng lại không phải tranh luận, họ công kích cá nhân, lợi dụng quyền lực hay làm gì đó thay vì đối mặt và đưa ra các luận điểm chứng tỏ mình đúng. Những người như vậy thực sự chỉ là thiệt cho bản thân. Sự thật sẽ chẳng bao giờ được phơi bày với những con người bảo thủ đó. Điều gì xảy ra nếu một ngày, điều mà họ tin tưởng bấy lâu bị chứng minh là sai lầm và đem lại hậu quả nghiêm trọng? Có thể họ suy sụp, mất niềm tin hoàn toàn cũng nên. Tôi không nghĩ rằng việc tập quan sát sự việc dưới nhiều góc nhìn, việc rèn luyện văn hóa phản biện hay văn hóa tranh luận sẽ giúp những người thực hiện thoát khỏi cảnh suy sụp khi niềm tin bị phá vỡ nhưng tôi tin niềm tin của những người đó sẽ sáng suốt và vững trãi hơn rất nhiều.

Bây giờ, bạn coi phần đầu của tôi là phần tự sướng khoe khoang hay là một phần mở đầu thú vị giúp bạn hiểu hơn về tôi? Điều đó phụ thuộc vào góc nhìn của bạn, còn với tôi thì sao cũng được. Nếu bạn thấy tôi sai, bạn không thích tôi, chúng ta hoàn toàn có thể trao đổi mà.

Quay trở lại câu hỏi của ở đầu bài: Tôi có bình thường không?

May mắn là tôi đọc được dòng này trên một trang nào đó: "thói thường mọi người vẫn nghĩ cái gì là phổ biến, là chiếm số đông là bình thường, còn cái gì ít thì coi là bất thường. Thực tế trong khoa học thì không phải như vậy, có những cái ít vẫn gọi là bình thường". Tôi thuộc số ít, nhưng tôi hoàn toàn bình thường nếu nhìn từ góc nhìn của những nhà khoa học.

____________________________________________________